Từ 2/1: Nhiều Ô tô có thể bị từ chối kiểm định vì lý do này, ai cũng nên nắm rõ

Theo quy định mới tại Nghị định số 166 và Thông tư số 47 của Bộ Giao thông vận tải, từ ngày 2/1, có thể nhiều phương tiện sẽ bị từ chối kiểm định.

Ô tô có thể bị từ chối kiểm định vì lý do gì?

Quy định mới tại Nghị định số 166/2024 và Thông tư số 47/2024 của Bộ Giao thông vận tải có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; tổ chức, hoạt động của cơ sở đăng kiểm; trình tự, thủ tục kiểm định, miễn kiểm định lần đầu cho xe cơ giới, xe máy chuyên dùng,…

Theo những quy định mới này, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá, có thể nhiều phương tiện sẽ bị từ chối kiểm định do có sự sai khác giữa chứng nhận đăng ký xe (CNĐKX) với phương tiện thực tế khi làm thủ tục kiểm định; chưa thực hiện cấp đổi chứng nhận đăng ký xe ở lần kiểm định tiếp theo sau khi phương tiện đã được cấp chứng nhận cải tạo.

Ngoài ra, xe đã thực hiện cải tạo nhưng chưa đổi CNĐKX; xe đã chuyển sang biển số màu vàng nhưng chưa đổi chứng nhận đăng ký; màu sơn trên CNĐKX không đúng so với màu xe thực tế; chủ phương tiện tự ý thay đổi thông số kỹ thuật của xe dẫn đến có sự sai khác so với CNĐKX cũng sẽ bị từ chối kiểm định.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, quy định này nhằm đảm bảo cơ sở đăng kiểm và chủ phương tiện phải tuân thủ thực hiện nghiêm, đảm bảo tính thượng tôn pháp luật và để thống nhất dữ liệu phương tiện giữa cơ quan đăng ký xe và cơ quan đăng kiểm.

Quá trình xây dựng Thông tư 47/2024, Bộ Giao thông vận tải cũng đã tính toán, đưa ra các quy định tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ xe trong một số trường hợp có sự sai khác giữa đăng ký xe với phương tiện thực tế khi đi đăng kiểm.
Từ 2/1, nhiều phương tiện có thể bị từ chối kiểm định - 1

Từ 2/1, có thể nhiều ô tô sẽ bị từ chối kiểm định (Ảnh: Thế Hưng).

Đối với các trường hợp xe cải tạo nhưng chưa đổi CNĐKX, mà giấy chứng nhận cải tạo bị mất hoặc hết hiệu lực từ ngày 1/1, việc cấp lại giấy chứng nhận xe cải tạo được thực hiện tại tất cả các cơ sở đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc.

Trường hợp xe cơ giới có sự sai khác thông tin với CNĐKX nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận cải tạo phải làm thủ tục chứng nhận cải tạo theo quy định.

Nếu xe cơ giới có sự sai khác với CNĐKX, các thông số kỹ thuật và hình ảnh của xe phù hợp với giấy chứng nhận kiểm định đã được cấp ở lần kiểm định gần nhất, trước ngày Thông tư 47/2024 có hiệu lực sẽ thuộc đối tượng miễn hồ sơ thiết kế; việc kiểm tra, chứng nhận thực hiện bình thường như xe thuộc đối tượng miễn hồ sơ thiết kế.

Nếu xe cơ giới có sự sai khác với chứng nhận đăng ký và sai khác với giấy chứng nhận kiểm định được cấp ở lần gần nhất về các thông số kỹ thuật (khối lượng bản thân; kết cấu, kích thước thùng hàng,…), chủ xe phải lập hồ sơ thiết kế để kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận cải tạo.

Loại giấy tờ phải xuất trình khi đăng kiểm

Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá Nghị định 166/2024 và Thông tư 47/2024 đã quy định rõ ràng, cụ thể minh bạch giấy tờ phải nộp, giấy tờ phải xuất trình đối với từng trường hợp xe đi đăng kiểm cụ thể theo từng đối tượng áp dụng.

Từ ngày 2/1, khi chủ xe đưa ô tô đi đăng kiểm chỉ phải xuất trình giấy tờ về đăng ký xe. Cụ thể: Bản chính CNĐKX hoặc bản sao có chứng thực, hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính CNĐKX, hoặc bản chính giấy hẹn cấp CNĐKX.

Với quy định mới này, trường hợp người dân có phương tiện được thế chấp ngân hàng nhưng vẫn giữ bản sao CNĐKX có chứng thực có thể sử dụng để đăng kiểm xe bình thường.

Với các chủ xe không có sẵn giấy tờ này, để được đăng kiểm phương tiện cần liên hệ với các tổ chức tín dụng (ngân hàng,…) để xin bản sao CNĐKX.

Về vấn đề này, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội ngân hàng Việt Nam để thông báo về quy định mới, đồng thời khuyến cáo ngân hàng có các biện pháp khác để kiểm soát đối với chủ phương tiện thế chấp,…

Trong thời gian tới, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống phần mềm để tích hợp giấy chứng nhận kiểm định điện tử với tài khoản định danh điện tử của chủ xe và ứng dụng VNeID nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các cơ quan chức năng trong việc quản lý, sử dụng, tuần tra kiểm soát.

Những trường hợp xe có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng (xe nhập lậu, trộm cắp,…) sẽ bị từ chối kiểm định do không có dữ liệu đăng ký xe của cơ quan công an và dữ liệu xe sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Các trường hợp sử dụng CNĐKX giả cũng sẽ bị phát hiện khi thực hiện thủ tục đăng kiểm xe.

Khi phát hiện cơ sở đăng kiểm phải có trách nhiệm nhập thông tin phương tiện lên hệ thống cảnh báo của Cục Đăng kiểm và thông báo cho cơ quan công an tại địa phương để xử lý theo quy định pháp luật.