Ngay sau khi có thông tin về vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn, nhà báo Phạm Trung Tuyến-Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông Quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã có bài nhận xét về: Hai cung đường cao tốc ở Việt Nam cực kỳ nguy hiểm do tổ chức giao thông. Thứ nhất là đoạn cao tốc La Sơn – Tuý Loan và thứ 2 là cao tốc Nội Bài-Lào Cai, đoạn Yên Bái – Lào Cai.
Theo nhà báo Phạm Trung Tuyến, cả 2 đoạn cao tốc trên 2 tuyến đường này đều chỉ có 1 làn xe mỗi chiều và toàn bộ vạch liền, phải đi 5-7 km mới có một quãng vượt ngắn.
“Ở 2 đoạn đường này, nếu đi đúng luật, tất cả các phương tiện sẽ đều phải đi bằng tốc độ tối thiểu vì các xe tải nặng, xe của những người mới lái. Những đoạn vượt thì ngắn, và tốc độ bị hạn chế nên nếu đi đúng tốc độ thì mỗi đoạn vượt chỉ một, hai xe bứt được lên.
Đi kiểu đó, người lái xe thường sẽ rất ức chế, sốt ruột, ảnh hưởng xấu đến tâm lý và khả năng tập trung, xử lý tình huống…”, nhà báo Phạm Trung Tuyến phân tích.
Từ đó, nhà báo Phạm Trung Tuyến cho rằng, với những đoạn đường mà chỉ có 1 làn đường mỗi chiều, nên tổ chúc giao thông như đường quốc lộ thông thường, chỉ để vạch liền, cấm vượt ở những khúc quanh, khuất tầm nhìn, còn lại để vạch đứt (xe tham gia giao thông có thể vượt khi đủ điều kiện an toàn).
“Ít ra như thế, người lái xe trên cao tốc còn có thể lái nhanh và an toàn tương đương đường thấp tốc. Vụ tai nạn thảm khốc trên đường La Sơn – Tuý Loan hôm nay, dù lỗi thuộc về nạn nhân, nhưng những người tổ chức giao thông rất nên suy nghĩ về việc làm của mình”, ông Tuyến nhìn nhận và đặt vấn đề.
Trên mạng xã hội Facebook, các thành viên nhóm Autofun (Group OFFB) đã có nhiều chia sẻ kinh nghiệm, bày tỏ quan điểm về các cao tốc của Việt Nam hiện nay. Nhất là tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn vừa xảy ra vụ tai nạn.
Thành viên Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đường này (cao tốc Cam Lộ – La Sơn) mỗi chiều đi chỉ có 1 làn duy nhất, có vạch liền và biển cấm vượt, tầm 5km sẽ có 1 điểm cho vượt bằng vạch đứt hoặc mở rộng làn có phân cách cứng dài 1km để vượt, nhưng vẫn cắm biển hạn chế 80km/h.
Do đường nhỏ có nhiều dốc dài nên các xe to toàn đi rất chậm, tầm 50km/h nên các xe nhỏ phải nối đuôi nhau bò theo, rất ức chế, và đến đoạn cho vượt mặc dù đủ 2 làn có giải phân cách cứng, làn khẩn cấp, nhưng vẫn cắm hạn chế 80 và chiều dài cho phép vượt chỉ được 1km, nên đến đoạn này nếu ko bứt tốc tranh thủ vượt thì lại phải “bò” theo đến điểm vượt tiếp theo.
“Như video trong camera hành trình ghi lại thì xe container vẫn bám làn trái và chạy ở tốc độ 56, gây khó khăn cho các xe phía sau vượt, và nếu ko tận dụng đoạn này để vượt thì phải bò theo xe container đến đoạn cho phép vượt tiếp theo”, lái xe Nguyễn Văn Hùng phân tích.
Tương tự, lái xe Nguyễn Danh Tuyên cho biết, anh mới chạy xe chiều và đêm hôm qua (17/2) trên cao tốc Tuý Loan-La Sơn và La Sơn-Cam Lộ và có một vài cảm nhận cá nhân về cao tốc này.
Đường hẹp, chỉ có 1 làn chạy và 1 làn khẩn cấp (làn khẩn cấp cũng hẹp vừa đủ 1 xe, nếu đỗ xe ở làn khẩn cấp bật đèn cảnh báo cũng rất nguy hiểm, phần lớn lái xe đỗ dừng nghỉ ở những đoạn có làn khẩn cấp to và phình ra cho an toàn).
Toàn tuyến đường phần lớn là vạch liền, có những đoạn vạch đứt và có những đoạn có 2 làn đường riêng biệt để mục đích cho các xe vượt nhau, các xe nối đuôi nhau chạy nếu có tai nạn hoặc sự cố 1 trong 2 làn thì chắc chắn sẽ kẹt xe.
Anh Tuyên cho rằng, vượt xe khác trên đường này là rất khó, nguy hiểm và phải đợi đến đoạn đường đôi, nếu vượt đoạn vạch đứt phải căn xe đối diện khoảng cách cho chuẩn; tính toán tốc độ xe mình chính xác; quyết đoán để vượt, chạy ban ngày tầm nhìn tốt còn nguy hiểm, nếu chạy ban đêm khi vượt xe chỉ cần bạn tính toán sai các yếu tố ở trên sẽ dẫn tính tình huống đối dầu trực diện xe ngược chiều và khả năng tan xác pháo là cực cao, thậm chí xe văng ra khỏi đường lao xuống ruộng hoặc vực sâu hai bên,
Đường lên xuống đồi dốc rất nhiều, cua tay áo cũng có, nếu không giữ làn tốt, vào cua rất dễ đâm vào xe bên làn ngược lại, toàn tuyến gần như không có đèn cao áp chiếu sáng hai bên…
“Đặc biệt, trên toàn tuyến có duy nhất 1 trạm dừng nghỉ ở cuối La Sơn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế (nhà WC rất bẩn, mùi, nhân viên cây xăng của Petro tại đây thái độ rất lấc cấc-cảm nhận cá nhân mình). Toàn tuyến có cảnh sát giao thông đứng bắt lỗi đè vạch và sai tốc độ nhiều. Nếu không may hỏng xe hay bị xịt lốp trên đường này thì chắc ốm luôn, vì cứ dừng đỗ là bị xử lý”, lái xe Nguyễn Danh Tuyên chia sẻ.
Lái xe này kết luận: “Ai chưa chạy (tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn) thì chạy một lần cho biết và trải nghiệm, nhưng nên đi QL1A cho an toàn, vì QL1 có đèn cao áp chiếu sáng và đa số có 2 đến 3 làn xe chạy, lái xe tuyến này vừa nhàn và an toàn hơn…
Còn lái xe Nguyễn Quang Hà cho biết đã được trải nghiệm cao tốc La Sơn – Tuý Loan và chia sẻ chút kinh nghiệm giúp mọi người an toàn hơn khi tham gia giao thông (nhất là vượt xe).
“Nhiều nơi vạch đứt cho phép vượt nhưng nếu gần cầu, nơi khúc cua, khuất tầm nhìn… thì không nên vượt cố vượt (như ảnh dưới, vạch đứt đến sát đầu cầu, nếu xe nào cố vượt rất nguy hiểm”.
Khi vượt xe khác thì không nên vượt nối đuôi, vì xe trước che khuất tầm nhìn phía trước, mình không thể thấy rõ được phía trước có chướng ngại vật. Hãy đợi xe trước vượt qua hẳn xe bên cạnh, và quan sát thấy rõ đường, biển báo phía trước thì mình mới vượt.
Khi vượt các xe dài, lớn (như container, xe khách) thì nên kết hợp nháy đèn và còi (không nên nháy còi liên tục dễ gây khó chịu) để tài xế xe kia chú ý.
Luôn đi đúng tốc độ cho phép, không nên đi quá sát xe phía trước (tốc độ 80km thì nên cách xa tối thiểu 70m). Khi xe phía trước dừng đột ngột thì mình vẫn đủ thời gian và khoảng cách để xử lý tình huống.
Đi đường cần cái đầu lạnh. Trên cao tốc gặp khá nhiều xe tải đi chậm, dẫn đến xe sau không đi nhanh được (vì có đoạn cấm vượt). Dẫn đến khi đến nơi được phép vượt xe thì các xe đi sau có tâm lý vội vàng, cố tăng tốc thật nhanh để vượt qua, thậm chí có người còn “trả thù” bằng cách tạt đầu xe. Vì làm vậy lại gây nguy hiểm cho người trên xe, chưa kể cả bản thân
Khi vượt sang làn đối diện, nếu có xe đối diện thì tổng tốc độ 2 xe ngược chiều sẽ có thể hơn 160km/h (tuỳ tốc độ mỗi xe), nên phải ước lượng khoảng cách xe kia thật xa thì hãy vượt.
Tài xế này chốt lại: Đi như trên có thể làm mình chậm đi 1 chút, nhưng lại đảm bảo an toàn.
Ở Việt Nam còn có 1 tuyến gọi là cao tốc nhưng vô cùng nguy hiểm nữa, đó là cao tốc Hà Nội-Bắc Giang khi tổ chức cho xe máy lưu thông cũng với xe ô tô. Lưu lượng xe ô tô đoạn này rất đông (vì là QL1), rất nhiều xe tải, xe container, xe khách lưu thông, nhiều khi ô tô đang chạy 80-90km/h mà gặp xe máy cứ len vào làn của ô tô. Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra nhưng việc tổ chức lại giao thông, không cho xe máy đi vào đường cao tốc vẫn chưa được thực hiện.