Không nộp phạt nguội khi vi phạm giao thông, sau một năm sẽ tự động gỡ bỏ?

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Văn Giới, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “Đây là dạng hiểu lầm khá phổ biến của người dân đối với quy định pháp luật về thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đặc biệt đối với phạt nguội khi vi phạm giao thông”.

hiều người hiểu nhầm rằng nếu không nộp phạt vi phạm giao thông, sau một năm hệ thống sẽ tự động gỡ phạt nguội.
Nhiều người hiểu nhầm rằng nếu không nộp phạt vi phạm giao thông, sau một năm hệ thống sẽ tự động gỡ phạt nguội. Ảnh: MINH HOÀNG

Theo luật sư, tại khoản 1 Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bổ sung 2020) có quy định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa. Tuy nhiên cũng tại khoản 2 Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định “trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn”.

“Như vậy nếu người vi phạm cố tình trốn tránh, trì hoãn việc thi hành quyết định xử phạt thì cho dù sau 5 năm hay 10 năm thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vẫn là 1 năm kể từ ngày chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn chứ không phải từ ngày ra quyết định’- luật sư Giới cho hay.

Vì vậy, đối với lỗi vi phạm giao thông, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính là 1 năm, nếu cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu là 1 năm kể từ ngày chấm dứt trốn tránh, trì hoãn. Cho nên người vi phạm nên chủ động thực hiện việc nộp phạt giao thông nếu có.

Đối với vấn đề kiểm định xe cơ giới khi “dính” phạt nguội, ngày 8-6-2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2023 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới), trong đó tại khoản 22 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung Điều 27 Nghị định số 139/2018) quy định:

i. Chưa thực hiện kiểm định đối với các trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; các trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc văn bản thông báo của người có thẩm quyền xử phạt mà chủ phương tiện, người vi phạm không đến trụ sở của người có thẩm quyền để giải quyết, xử lý; các trường hợp bị cảnh báo trên Chương trình quản lý kiểm định. Sau khi chủ phương tiện, người vi phạm thực hiện các nghĩa vụ nêu trên thì được kiểm định theo quy định.”.