Rau ngải cứu và những công dụng tuyệt vời

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Rau ngải cứu và những công dụng tuyệt vời

Ngày 19/12/2023
Kích thước chữ

Rau ngải cứu không còn quá xa lạ với người dân đất nước hình chữ S. Ngải cứu đem lại vô vàn những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe con người. Cùng khám phá những thông tin trên thông qua bài viết bên dưới nhé!

Tại Việt Nam, bạn có thể dễ dàng tìm thấy rau ngải cứu ở bất kỳ nơi nào. Không chỉ tiện dụng, loại rau này còn được biết đến như một loại thảo dược sở hữu rất nhiều công dụng, có thể hỗ trợ điều trị cho nhiều chứng bệnh lý khác nhau.

Đặc điểm của cây ngải cứu

Ngải cứu là một trong các loại cây trồng quen thuộc của người dân Việt Nam. Chúng xuất hiện thường xuyên trong các bài thuốc dân gian cũng như các món ăn dân dã hàng ngày.

Ngải cứu còn được gọi với những cái tên khác như ngải diệp, thuốc cứu. Cây phân bố chủ yếu ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Bắc Phi và Alaska. Tuy nhiên, không phải hầu hết các khu vực này đều sử dụng cây ngải cứu. Một số khu vực nhận định cây ngải cứu như cỏ xâm lấn và diệt trừ chúng. Tại Việt Nam, ngải cứu mọc dại nhiều ở các tỉnh như Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Giang,…

Ngải diệp có chiều cao trung bình từ 0.4 – 1m. Cây thuộc họ cúc, là cây thân thảo với chu kỳ sống lâu năm. Lá ngải cứu mọc so le với màu xanh đậm ở mặt trên và màu trắng lông nhung ở mặt dưới. Có thể xem ngải cứu như nguồn dược liệu quý giá cho các bài thuốc chữa trị bệnh.

Cây ngải diệp thường được người dân thu hoạch vào khoảng tháng 6 hàng năm. Bộ phận có thể sử dụng ở cây chủ yếu là lá. Bạn có thể trồng ngải cứu thông qua phương pháp giâm cành hoặc sử dụng cây non. Mặt khác, ngải cứu đơm hoa, kết quả và cho ra hạt nhưng không thể gieo trồng theo phương pháp sử dụng hạt.

Rau ngải cứu và những công dụng tuyệt vời 1
Ngải cứu còn được gọi với những cái tên khác như ngải diệp, thuốc cứu

Rau ngải cứu có tác dụng gì?

Ngải cứu có tác dụng trị bệnh về xương khớp, hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt, cầm máu, chữa suy nhược cơ thể, giảm mẩn ngứa và nổi mề đay, cải thiện lưu thông máu, và điều trị các bệnh đường hô hấp như ho khan và cảm mạo. Rau ngải cứu là một trong các nguyên liệu mà các bài thuốc dân gian cổ truyền không thể thiếu. Không chỉ là loài thảo dược dễ kiếm và ngải cứu còn có thể đem đến nhiều công dụng trong việc điều trị và hỗ trợ điều trị một số chứng bệnh thông thường.

Trong đó, có thể kể tới các công dụng tuyệt vời sau:

Trị bệnh về xương khớp

Rau ngải cứu có tính ấm nên thường xuyên được sử dụng trong các bài thuốc chữa bệnh đau xương khớp. Với công dụng tăng cường khả năng lưu thông máu, lưu thông khí huyết, tốt cho hệ xương khớp, kháng viêm, giảm đau,… Đặc biệt hiệu quả đối với các trường hợp bị thấp khớp, gai cột sống,… Bạn có thể sử dụng nước cốt ngải cứu pha cùng với mật ong để uống hoặc giã nhuyễn để làm thuốc đắp.

Hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt

Chứng đau bụng kinh, đau lưng cũng được cải thiện khi thường xuyên sử dụng ngải cứu. Loại thảo dược này cũng là bài thuốc giúp điều hòa kinh nguyệt cho những đối tượng có kỳ nguyệt san không đều.

Giúp cầm máu

Trong ngải cứu có chứa các thành phần giúp kháng viêm, giảm đau, sát khuẩn và cầm máu cực kỳ tốt. Thông qua đó, dược liệu này có thể áp dụng vào các bài thuốc hỗ trợ sơ cứu cho một số tình huống khẩn cấp. Đặc biệt là các trường hợp đứt chân tay, bị thương,…

Chữa chứng suy nhược cơ thể

Trong dân gian, ngải cứu được biết đến như một bài thuốc bổ đặc biệt hữu hiệu. Sử dụng lá của ngải cứu kết hợp với táo đỏ, hạt sen hầm chung gà ác. Đây sẽ là món ăn giúp khai thông khí huyết, trị chứng suy nhược cơ thể, chán ăn ở những bệnh nhân bị bệnh lâu ngày hay mới ốm dậy.

Chữa mẩn ngứa, nổi mề đay

Tinh dầu của ngải diệp có chứa các thành phần kháng khuẩn và chống viêm cực kỳ tốt. Do đó, sử dụng thảo dược trong các bài thuốc trị nổi mề đay, mẩn ngứa, mụn nhọt,… sẽ đem đến những cải thiện nhanh chóng.

Ngải cứu tươi có thể sử dụng để giã nhuyễn và đắp trực tiếp lên mẩn ngứa hay mụn nhọt. Mặt khác, đối với trường hợp bị mề đay hay rôm sảy, bạn có thể nấu nước lá ngải cứu để tắm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần được đảm bảo vệ sinh để không gây ra nguy cơ nhiễm trùng và một số vấn đề khác.

Giúp máu lưu thông

Người hay bị hoa mắt chóng mặt xuất phát từ tình trạng máu lưu thông kém. Những đối tượng này nên thường xuyên sử dụng ngải cứu trong các bữa ăn hàng ngày. Có thể chế biến lá ngải cứu thành nguyên liệu của món canh, trứng rán để cải thiện khả năng tuần hoàn máu não.

Chữa bệnh đường hô hấp trên

Ngải cứu khi kết hợp với một số loại thảo dược như khuynh diệp, lá bưởi có thể giúp cải thiện chứng ho khan, cảm mạo, đau họng,… Bạn có thể dùng lá để đun nước uống hoặc thực hiện xông với ngải cứu đều tốt cho tình trạng sức khỏe.

Ngoài ra, cây ngải cứu còn đem đến rất nhiều công dụng khác như hỗ trợ cải thiện lưu thông máu, tụt huyết áp,… Chúng được xem như loại thực phẩm bồi bổ sức khỏe được nhiều người yêu thích.

Rau ngải cứu và những công dụng tuyệt vời 2
Rau ngải cứu hỗ trợ điều trị xương khớp, điều hòa kinh nguyệt, cầm máu,…

Một số bài thuốc hay từ ngải cứu

Rau ngải cứu xuất hiện trong những bài thuốc khác nhau điều trị vô số chứng bệnh. Sau đây là một số bài thuốc được áp dụng thường xuyên để điều trị các chứng bệnh lý phổ biến:

  • Trị mụn cơm, mụn cóc, mụn trứng cá: Rau ngải cứu sau khi được giã nhuyễn tiến hành đắp lên vị trí bị mụn trong thời gian 20 phút rồi rửa sạch với nước. Thực hiện liên tục trong khoảng thời gian từ 3 – 10 ngày sẽ có được kết quả như mong muốn.
  • Trị các loại mẩn ngứa, rôm sảy, ghẻ lở: Sau khi rửa sạch ngải cứu thì tiến hành ép lấy nước. Sử dụng nước ép ngải cứu hòa chung với nước sạch để tắm mỗi ngày. Chỉ trong vòng vài ngày bạn sẽ thấy được hiệu quả.
  • Trị bong gân: Bạn có thể sử dụng lá ngải cứu tươi giả dập hoặc thay vào đó là lá ngải cứu khô tẩm rượu. Bó chúng vào vị trí bị bong gân. Nếu vùng bong gân có hiện tượng sưng tấy và đau thì có thể sử dụng hai lần trong ngày.
  • Dưỡng da: Lá ngải cứu sau khi rửa sạch thì trần qua một lần với nước sôi. Ở bước tiếp theo, bạn thái nhỏ ngải cứu và đun sôi cùng với 500ml nước trong khoảng thời gian 20 phút. Tiến hành lọc bã, để nguội và dùng như bước hoa hồng cấp ẩm.
  • Trị cảm cúm: Kết hợp các nguyên liệu bao gồm vỏ bưởi, lá khuynh diệp, lá ngải cứu và đun với 2 lít nước lọc. Thực hiện xông hơi với hỗn hợp nước thảo mộc trong khoảng 15 phút. Áp dụng phương pháp này liên tục từ 2 – 3 ngày để các triệu chứng bệnh ngày một cải thiện.
Rau ngải cứu và những công dụng tuyệt vời 3
Ngải cứu xuất hiện trong những bài thuốc khác nhau điều trị vô số chứng bệnh

Một số lưu ý khi sử dụng cây ngải cứu

Ngải cứu được biết có thể đem đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, bạn cần thận trọng để ứng dụng chúng phục vụ cho các mục đích hỗ trợ điều trị bệnh.

Những lưu ý khi sử dụng cây ngải cứu:

  • Không dùng ngải cứu với số lượng lớn và quá thường xuyên. Mỗi lần chỉ nên sử dụng tối đa 5 ngọn và không nên ăn quá 3 lần trong tuần nếu không có sự chỉ định từ các chuyên gia dinh dưỡng.
  • Phụ nữ đang mang thai, sinh non nên chú ý tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Không ăn ngải cứu nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc trị trầm cảm, chống đông máu, tiểu đường, bệnh ung thư, kháng khuẩn,… Chúng sẽ tương tác với thuốc và gây ra tác dụng phụ.
  • Thận trọng khi sử dụng ngải cứu cho những cá nhân có cơ địa mẫn cảm.
  • Tuyệt đối không lạm dụng ngải cứu.
Rau ngải cứu và những công dụng tuyệt vời 4
Thận trọng khi sử dụng ngải cứu cho những cá nhân có cơ địa mẫn cảm

Không thể phủ nhận những lợi ích tuyệt vời của rau ngải cứu đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, để sử dụng ngải cứu như các loại thảo dược điều trị bất kỳ chứng bệnh nào khác, bạn nên tham khảo ý kiến từ các bác sĩ chuyên ngành.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin